Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Thứ ba - 25/10/2022 02:27
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột


(TN&MT) - Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

 

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Trình bày dự thảo nội dung Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

o(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước. Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo đó, về mức dư nợ vay, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

y.jpeg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Bổ sung thêm một số chính sách ưu đãi toàn diện hơn

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết này vào kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến cho rằng, những chính sách đặc thù thí điểm cho thành phố Buôn Mê Thuột "chưa đột phá, còn dập khuôn, lối mòn và chưa có tính lan toả vùng miền".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đồng tình với dự thảo Nghị quyết nhưng cho rằng, các chính sách và cơ chế trong dự thảo Nghị quyết chưa được "đặc thù lắm" để thu hút đầu tư, tài năng đặc biệt. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Nghị quyết này của Quốc hội cho thành phố thí điểm một số chính sách mới chỉ ở mức "khác luật", chưa thể chế hóa toàn diện được Nghị quyết 67 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ trương của Trung ương để tạo điều kiện cho đô thị lớn nhất Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, vị trí đối với cả vùng. Tuy nhiên, điều mà Chủ tịch Quốc hội còn băn khoăn là chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột còn… "hẻo quá".

u.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Từ đặc thù của Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần nghiên cứu để có thể có đề án với mức ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê: từ tái canh, chế biến, thương hiệu, lễ hội... Về nông sản chủ lực thì Việt Nam có thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị của toàn cầu, thậm chí có thể chủ động tạo ra chuỗi giá trị mới, mang tính dẫn dắt, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

"Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cho toàn diện hơn, đầy đủ hơn cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển mạnh mẽ hơn sau khi Nghị quyết này đi vào cuộc sống", Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Buôn Mê Thuột bày tỏ vui mừng khi Trung ương và Quốc hội đang cụ thể hoá để các chính sách đi vào thực tiễn, có chính sách ưu đãi này thành phố sẽ định hình về không gian phát triển cho địa phương, thu hút thêm doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, thành phố Buôn Ma Thuột cần phát huy được lợi thế là đô thị sinh thái, phát huy bản sắc gắn với giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên để thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Phản hồi ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội là chính sách còn "hẻo" quá, song Bộ trưởng cho biết một số các ưu đãi khác đã nằm ở các chương trinh, đề án của Chính phủ cho thành phố Buôn Ma Thuột. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách cho chuỗi giá trị cà phê Buôn Ma Thuột như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội.

Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ tư (khai mạc ngày 20/10/2022).

Nguồn tin: Theo: baodautumoitruong

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây